Lượt xem: 858

Sóc Trăng phát triển chăn nuôi bền vững

Thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang ngày càng phát triển, với tốc độ tăng trưởng khá nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Theo thống kê của ngành chuyên môn, tổng đàn gia súc hiện tại là 245.369 con, tăng 12,27% so cùng kỳ; trong đó, đàn heo 177.669 con (tăng gần 13% so với cùng kỳ), đàn trâu 2.620 con, đàn bò sữa, bò thịt 54.530 con (tăng gần 2% so với cùng kỳ), đàn dê 10.550 con (tăng hơn 2%) và đàn gia cầm 6,85 triệu con. Sản lượng thịt gia súc xuất chuồng trong các tháng đầu hơn 34.911 tấn (tăng hơn 26% so với cùng kỳ), sản lượng thịt gia cầm hơn 23.292 tấn (tăng 1,5% so với cùng kỳ).

    Hộ dân phát triển chăn nuôi

    Hơn 6 năm phát triển nuôi gia súc tại hộ, ông Võ Quốc Khải, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc sống khấm khá. Ông Khải bộc bạch: “Trước đây tôi nuôi heo thịt, heo sinh sản nhưng do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi nên đàn heo bị thiệt hại, gây thất thoát về kinh tế. Để có nguồn thu nhập, tôi chuyển hướng từ nuôi heo sang nuôi dê thịt và dê sinh sản. Ban đầu tôi chỉ mua 7 con dê cái tơ, sau 8 tháng đàn dê sinh sản được 7 dê con. Theo từng năm đàn dê sinh sản, tôi lựa chọn những con dê cái đẹp để làm giống và số dê đực không đạt tiêu chuẩn làm giống sẽ bán dê thịt. Bình quân mỗi năm tôi bán từ 14 - 18 con dê thịt, thu về số tiền từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Qua hơn 6 năm nuôi dê, số lượng dê thịt và dê giống xuất bán hơn 80 con. Hiện tại, tổng lượng dê trong chuồng nuôi là 20 con, trong đó có 8 con dê sinh sản, số còn lại là dê hậu bị và dê bán thịt. Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ tạo đàn dê cái sinh sản là 15 con để tăng đàn dê nuôi thịt và cung ứng dê giống ra thịt trường”.


Ông Võ Quốc Khải, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bên đàn dê thịt cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Cũng là hộ dân gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc hàng chục năm qua, ông Lý Văn Hiền, ấp Bố Liên 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Nhờ con bò sữa mà gia đình tôi có cuộc sống ấm no, sung túc trong suốt nhiều năm qua. Năm 2013, tôi mua 1 con bò sữa cái về nuôi và được Dự án Heifer hỗ trợ thêm 2 con bò, nâng tổng số là 3 con bò sữa cái; từ số bò trên, tôi gầy giống bò cái tăng số lượng theo từng năm. Hiện nay, đàn bò sữa được 11 con, trong đó 5 con đang cho sữa, số bò còn lại là bò hậu bị và bê. Với 5 con bò vắt sữa, mỗi ngày thu về hơn 60 kg sữa tươi, giá bán sữa là 13.500 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 500.000 đồng/ngày. Số tiền trên đủ chi dùng cho sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình 4 người và trích một phần tích lũy”.

    Theo lời ông Khải và ông Hiền, nuôi dê, nuôi bò nhẹ công chăm sóc, đầu ra của con dê và sữa bò tươi ổn định, thương lái đến tận nhà thu mua. Đặc biệt, với 2 con vật nuôi này, không tốn nhiều chi phí thức ăn, chỉ cần cung cấp đủ cỏ, rơm rạ cho bò, dê ăn là được và không lo tới lứa phải xuất bán giống như nuôi heo hay nuôi các loại gia cầm; đồng thời, lợi nhuận đem lại từ 2 con vật nuôi trên khá tốt, đảm bảo đời sống cho hộ nuôi.

    Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

    Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm chăn nuôi rớt giá mạnh, nguyên nhân là do giá heo, bò, gia cầm không ổn định, còn giá thức ăn lại tăng cao. Cùng với đó, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo Châu phi và các loại dịch bệnh khác, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm nên chuyển sang thuê địa điểm, thuê nuôi gia công với số lượng lớn. Mặt khác, việc nước ta tham gia, hội nhập sâu rộng vào các hiệp định thương mại, nên các sản phẩm chăn nuôi trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

    Trước những thách thức trên của ngành chăn nuôi, theo đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, thông tin: Để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, các đơn vị phối hợp địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết từng tổ nhóm cùng sở thích, cùng chia sẻ, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất chăn nuôi bài bản, đồng bộ, thích ứng cao. Người chăn nuôi sản xuất theo định hướng, tín hiệu của thị trường; tích hợp, hoàn thiện, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo trong thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi công nghiệp theo hướng hiện đại đối với từng khu vực. Chăn nuôi giống bản địa an toàn sinh học có lợi thế ở từng địa phương, phù hợp với xu thế, thị hiếu người tiêu dùng. Khuyến khích hộ dân nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại; tập trung phát triển những loại vật nuôi có lợi thế như: Heo, bò, gia cầm; đa dạng hóa các loại vật nuôi để phát huy ưu thế từng vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, thực hành chăn nuôi tốt; tăng cường công tác tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật; thanh tra chuyên ngành về giống, thức ăn, thuốc thú y.


Con bò sữa là một trong những vật nuôi được xem là đem về nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Đồng thời, với vai trò phụ trách ngành chăn nuôi của tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 17/6/2021 về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2030”. Thực hiện Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 16/6/2021 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; trong đó, phấn đấu phát triển đàn heo, đàn bò thịt, bò sữa chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, trang trại công nghệ cao với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND, ngày 06/10/2023 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Xây dựng quyết định quy định về quy mô của các cơ sở chăn nuôi và khu vực trung tâm các phường, thị trấn không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện chính sách, thể chế, hướng dẫn về môi trường pháp lý, đẩy mạnh thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ phát triển, nâng cao chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. Tổ chức hỗ trợ chuỗi liên kết cung ứng từ đầu vào đến các khâu thu mua, giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông và tiêu thụ…

    Tin rằng, thông qua triển khai hiệu quả các giải pháp chăn nuôi và thực hiệu các quyết định của HĐND, UBND tỉnh, trong thời gian tới ngành chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển vượt bậc, góp phần tạo nguồn sản phẩm thịt không chỉ cung ứng trong nước mà còn phục vụ thị trường xuất khẩu.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 8337
  • Trong tuần: 79,044
  • Tất cả: 11,802,364